Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Khe Sanh được biết là vùng đất lửa anh hùng, là căn cứ chiến lược quan trọng của quân đội Mỹ, nơi diễn ra những trận đánh lớn được ví ngang tầm với những trận đánh của thế giới như: Gettysburg, Concord, Normandy.
Khe Sanh đã phải trải qua bao thăng trầm với những ký ức bi tráng, giờ đây đã hồi sinh mạnh mẽ nhờ sự cần cù, kiên cường của những người nông dân nơi đây. Qua bàn tay và khối óc của những người nông dân Khe Sanh, những vườn cà phê đã vươn lên xanh tốt trên những triền đồi, từng hạt cà phê dần trở thành biểu tượng sống cho hy vọng và tương lai tươi sáng.
Những loại cà phê ở Khe Sanh
Khe Sanh được biết đến với hai giống cà phê chủ yếu là Arabica và Liberica. Mỗi giống cà phê lại mang đến một trải nghiệm riêng cho người thưởng thức.
Arabica, hay còn gọi là cà phê chè, là loại cà phê được trồng chủ yếu ở Khe Sanh. Độ cao thích hợp để trồng loại cà phê này thường là 900-2000m so với mực nước biển. Thế nhưng, Arabica lại được trồng ở Khe Sanh, nơi độ cao trung bình khoảng 350-600m và còn được coi là cà phê ngon nhất Việt Nam. Giải thích cho điều này thì cần phải cân nhắc đến các yếu tố khí hậu, thổ nhưỡng và quy trình chăm sóc cây:
- Khe Sanh có khí hậu mát mẻ quanh năm (nhiệt độ trung bình là 22,5ºC). Arabica được coi là loại cây “tiểu thư”, chỉ sống tốt ở những vùng có khí hậu mát mẻ, cho phép cây phát triển chậm rãi, từ đó tích tụ nhiều hương vị.
- Biên độ giao động nhiệt độ giữa ngày và đêm ở Khe Sanh khá lớn (khoảng 10 độ), giúp cho hạt cà phê tích tụ nhiều dưỡng chất và phát triển phức hợp hương vị một cách đầy đủ. Nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm tạo điều kiện cho việc tích luỹ đường và hình thành axit malic, tạo ra hương vị chua thanh đặc trưng của hạt Arabica.
- Thổ nhưỡng: Lợi thế của Khe Sanh là đất bazan giàu dinh dưỡng, phù hợp với các loại cây công nghiệp, trong đó có cà phê.
- Chăm sóc và quy trình chế biến: Cà phê Arabica ở Khe Sanh được canh tác và chế biến cẩn thận, áp dụng các kỹ thuật trong canh tác hữu cơ, áp dụng quy trình chế biến theo tiêu chuẩn ISO, đánh giá chất lượng theo bảng công cụ đo màu sắc để định hướng phát triển cà phê đặc sản của vùng đất Khe Sanh.
Lá và quả cà phê chè (Arabica)
Chính nhờ các yếu tố tự nhiên và kỹ thuật này mà vị chua thanh, hương thơm dịu nhẹ và màu sắc óng ánh của cà phê Arabica Khe Sanh trong những năm gần đây luôn đạt giải nhất cà phê đặc sản Việt Nam và được xem là dòng cà phê độc đáo nhất Việt Nam.
Quả cà phê mít (Liberica) to và dài hơn cà phê chè (Arabica)
Ngoài Arabica, Khe Sanh còn rất nổi tiếng với giống cà phê Liberica, hay còn được gọi là cà phê mít. Cây cà phê mít có chiều cao khoảng 4-5m, được người Pháp đưa sang trồng ở Khe Sanh đầu những năm 1920.
Nếu nhẹ nhàng thanh thoát, cùng mùi hương ngọt ngào của trái cây là những tính từ dùng để miêu tả vị cà phê Arabica, còn vị đắng, đậm thường được dùng để nói về cà phê Robusta thì cà phê mít lại mang một hương vị khác biệt đặc trưng. Cà phê mít vừa có vị chua chua của cherry (vì thế nó còn được gọi là cà phê cherry), vừa có vị socola, lại mang mùi thơm thoang thoảng của mít, mang lại cho người thưởng thức một cảm giác thú vị.
Canh tác cà phê Khe Sanh
Để chế biến được cà phê chất lượng cao, việc đầu tiên cần nói đến chính là quá trình trồng và chăm sóc cây cà phê.
Khe Sanh là vùng trồng cà phê có lịch sử 100 năm. Tuy nhiên, trước đây, người nông dân không mặn mà với trồng cà phê do năng suất thấp, chất lượng kém, giá cả thay đổi liên tục. Có những năm, cà phê Khe Sanh rớt giá thảm hại chỉ còn 5,000đ/kg. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này xuất phát từ nhiều yếu tố:
- Chủ quan: Người nông dân giữ lối canh tác cũ, thu hoạch không đảm bảo tỷ lệ quả chín, ngâm nước hoặc trộn lẫn tạp chất để tăng trọng lượng hạt khi bán ra.
- Khách quan: Mất mùa khiến sản lượng giảm sút, thu hoạch kém. Người nông dân không được hướng dẫn, thống nhất trong quá trình canh tác, chăm sóc, chế biến và bảo quản cà phê, khiến chất lượng đầu ra không được đồng đều.
Thế nhưng, những năm gần đây, cà phê Khe Sanh đã khởi sắc và dần lấy lại thương hiệu trên thị trường nhờ những thay đổi nhằm hướng đến mục tiêu sản xuất cà phê đặc sản. Ngày nay, các đơn vị chế biến cà phê và các nhà vườn đã cùng kết hợp lại để sản xuất ra hạt cà phê sạch, đạt chất lượng tốt nhất.
Thu hoạch và chế biến cà phê nhân
Thu hoạch cà phê
Thay vì hái tuốt như trước đây, thì nông dân Khe Sanh đã thu hoạch cà phê bằng tay có chọn lọc; chỉ lựa chọn những quả chín để thu hoạch. Do đó, mỗi vụ cà phê ở Khe Sanh phải được thu hoạch dài hơn, có khi lên đến 4-5 lượt.
Cà phê sau khi thu hoạch sẽ được chế biến thành cà phê nhân theo một trong ba phương pháp chính: Phương pháp chế biến ướt (Washed Processed Coffee), Phương pháp chế biến tự nhiên/ Khô (Natural/ Dry processed coffee), Phương pháp chế biến mật ong (Honey/ Pulpled natural Coffee).
Cà phê chế biến ướt là phương pháp mà vỏ của quả cà phê tách ra bằng một thiết bị chuyên dụng và một lượng nước lớn. Sau đó thịt và hạt cà phê được lên men để loại bỏ lớp nhầy trước khi được phơi khô, tách vỏ lụa và thu được nhân xanh. Phương pháp này có thể làm nổi bật đặc tính thực sự về nguồn gốc xuất xứ của một giống cà phê (single origin coffee).
Cà phê chế biến tự nhiên được phơi khô nguyên trái trước khi được tách vỏ và thu được nhân xanh. Cà phê chế biến theo phương pháp tự nhiên (natural) có khả năng tạo ra các loại cà phê ngon nhất và là phương pháp thân thiện với môi trường nhất. Điều đó giải thích một phần lý do tại sao rất nhiều loại cà phê đặc sản ở Khe Sanh lại được chế biến theo phương pháp này.
Phương pháp chế biến mật ong là khi phần nhân và lớp nhầy (đường) của quả cà phê được giữ lại và sấy khô trong khi lớp vỏ bên ngoài được tách bỏ. Gọi là phương pháp mật ong nhưng không có sử dụng một chút mật ong nào trong quá trình này đâu nhé. Phương pháp là sự kết hợp hoàn hảo của phương pháp chế biến khô và chế biến nước do vẫn giữ được vị ngọt của chế biến khô trong khi vẫn giữ được một số tính axit của phương pháp chế biến ướt. Cà phê chế biến mật ong thường có thể chất đầy đủ (full body) và hậu ngọt kéo dài cùng với vị chua cân bằng. Phương pháp chế biến mật ong thường được các nông trại lựa chọn để sản xuất cà phê đặc sản.
Cà phê nhân được chế biến theo phương pháp honey
Cà phê nhân xanh - sau khi được tách vỏ thóc - chế biến theo phương pháp nước
Quả cà phê được phơi khô
Semi-washed - Cà phê được chế biến theo phương pháp nước nhưng chưa tách vỏ thóc
Chế biến cà phê
Sau khi có cà phê nhân, công đoạn tiếp theo là rang và xay cà phê. Cà phê đặc sản Khe Sanh là loại cà phê được rang xay nguyên chất, không pha tạp với các loại gia vị và hương vị nào khác. Kỹ thuật rang cà phê có rang nhạt (light), rang vừa (medium) và đậm (dark). Chỉ cần thay đổi nhiệt độ và cách rang một chút thôi, bạn đã có thể thu được những vị cà phê khác nhau rồi.
Tôi may mắn được tham gia một buổi rang cà phê của chị Hanh – Chủ thương hiệu cà phê Ta Lư – sản phẩm OCOP 4* ở Quảng Trị. Quá trình rang sẽ trải qua những giai đoạn khác nhau, hương thơm khác nhau và màu sắc của hạt cà phê cũng đậm dần theo thời gian. Thật sự rất thú vị khi được nghe chị giải thích về quá trình rang xay cà phê. Ở giai đoạn này, chính sự am hiểu sâu sắc về cà phê của người rang mới là nhân tố quyết định hương vị của mỗi mẻ cà phê.
Thưởng thức cà phê
Có rất nhiều cách pha cà phê: pha phin, pha máy, pha pour hay cold brew, có thể bạn đã thử hết rồi. Nhưng dù các cách pha nào đi nữa, thì khi cầm trên tay tách cà phê Khe Sanh, là bạn đang thưởng thức một sản vật tinh tuý của đất và người Khe Sanh. Đó là sự hy sinh của những anh hùng đã ngã xuống vì tổ quốc, đó là những giọt nước mắt của người nông dân trong những năm mất mùa, đó là sự vươn lên mạnh mẽ của những con người Khe Sanh quyết tâm biến khó khăn thành cơ hội.
Hãy đến Khe Sanh một lần, để nghe, để cảm và để thưởng thức và để yêu thêm những giọt cà phê nơi đây.