Là người Quảng Bình có lẽ không ai là không biết bánh xoài, mà các tỉnh miền Trung khác như Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi thì gọi là bánh thuẫn. Thường được dùng để cúng ông bà tổ tiên và thết đãi khách vào dịp Tết Nguyên đán, bánh xoài là món quà quê không thể thiếu trong những ngày đầu năm.
Bánh xoài không chỉ là một món bánh, mà còn là một phần của văn hóa và truyền thống ẩm thực miềnTrung. Mỗi chiếc bánh đều mang trong mình những giá trị lịch sử, tình cảm gia đình và ký ức ấm áp từ thời thơ ấu.
Nguồn gốc bánh xoài
Không ai biết chính xác bánh xoài được ra đời từ khi nào và như thế nào. Chỉ biết, từ thời ông bà tôi đã có loại bánh này trong ngày Tết. Bà nội tôi trước đây là một thành viên của hợp tác xã bánh kẹo 1/5, nên bà tôi rất thành thạo việc đổ bánh xoài.
Bánh xoài được làm từ những nguyên liệu rất đơn giản, gần gũi với nông thôn Việt Nam. Nguyên liệu chính gồm có bột mình tinh (hay còn gọi là bột bình tinh, mì tinh, huỳnh tinh), trứng và đường. Có nhiều gia đình thay bột mình tinh bằng bột khoai chuối, cho thêm tinh bột nghệ cho dậy màu vàng và thêm một chút nước gừng để tiết chế mùi tanh của trứng. Nguyên liệu thì dễ kiếm vậy, nhưng các công đoạn để làm bánh xoài ngon thì không hề đơn giản chút nào; và để tạo ra những mẻ bánh xoài ngon, người thợ làm bánh đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo và cả kinh nghiệm.
Củ mình tinh dùng để làm bột đổ bánh xoài
Bánh xoài mang hương vị của Tết xưa
Mỗi năm Tết đến, bọn trẻ con chúng tôi lại háo hức được đổ bánh xoài. Thực ra, chúng tôi háo hức tất cả mọi thứ liên quan đến Tết. Bánh xoài thường được đổ tầm 7-10 ngày trước Tết, để sau đó còn rất nhiều việc cần chuẩn bị.
Trẻ con chúng tôi, làm thì ít nhưng quấy phá thì nhiều. Dù vậy, chúng tôi vẫn luôn cố gắng để đánh bột, nhóm lửa, sấy bánh như người lớn. Nếu không được trực tiếp đánh bột, thì kiểu gì chúng tôi cũng phải xúm quanh xem ba tôi đánh bột, để thỉnh thoảng nhón cái tay vào “kiểm tra bột đã đạt chất lượng chưa”.
Đánh bột là một công đoạn vất vả và cực kỳ…mỏi tay. Đánh bột thường mất cả vài tiếng đồng hồ để đảm bảo các nguyên liệu bột, trứng, đường được hoà quyện với nhau. Ngày nay, công đoạn này đã được thay thế bằng máy, tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức. Và cái thú nhón tay kiểm tra chất lượng cũng bị vơi dần từ đó.
Sau đánh bột là công đoạn đổ bánh. Khuôn bánh xoài là một cái khuôn gang dày, có thể đổ một lúc được gần 10 cái bánh có hình dạng khác nhau, thường là hình dầu dục giống trái xoài nên chúng tôi gọi là bánh xoài. Nắp khuôn cũng được đúc bằng gang và có thể cho than đỏ lên trên để bánh được chín đều hai mặt. Khi chín, mặt trên của bánh nở ra giống hoa mai. Bánh càng nở thì càng đẹp, thể hiện mong ước cho một năm mới tươi vui, sáng sủa. Tài nghệ của người đổ bánh xoài cũng được thể hiện ở đây: lửa không được to quá cũng không được nhỏ quá; lượng bột cũng vừa phải, không được tràn ra ngoài mà cũng không được vơi; nếu vơi, bánh sẽ không nở đẹp.
Khuôn bánh có nắp dày và có than đỏ bên trên
Bánh xoài đổ xong cần phải được sấy khô. Việc này giúp cho bánh giòn và giữ được lâu. Tuy nhiên, cái lúc ngon nhất của bánh xoài chính là lúc chưa sấy. Bánh mới đổ xong nóng hôi hổi, mềm mềm, thơm lừng của trứng gà, của nghệ, của gừng; đó mới chính là lúc trẻ con người lớn đều thích nhất. Chúng tôi lấy cớ là sấy bánh, chứ thực ra chờ bánh ra lò là “thó” ngay một cái cho vào miệng, vừa thổi vừa ăn. Tết ở Quảng Bình thường lạnh, ngồi bên lò lửa sấy bánh xoài, nhóp nhép miếng bánh tan biến trong miệng, rồi kể đủ thứ chuyện trên đời dưới đất. Tuổi thơ được như thế thì còn gì bằng.
Bánh xoài (bánh thuẫn) chín vàng nở bung như hoa mai ngày tết
Rồi Tết cũng đến, chúng tôi theo ba mẹ đi chúc Tết bà con, họ hàng. Trong câu chuyện của người lớn, đặc biệt là của bà và mẹ, bao giờ cũng xuất hiện những câu hỏi: Bánh xoài đổ lúc nào? Trứng gà hay trứng vịt? Bột dong hay bột khoai chuối? Mấy cân? Những câu chuyện đó, bình dị thôi, nhưng cũng hết cả buổi rồi.
Mẹ tôi hồi đó mỗi lần đến Tết bận tối mắt tối mũi vì công việc. Thế nhưng, dù bận thế nào thì cũng phải đổ cho được dăm cân bánh xoài để đặt trên bàn thờ gia tiên và biếu hai bên nội ngoại. Có những năm mẹ tôi phải thức đến 2 giờ sáng để đổ bánh xoài.
Bánh xoài là sợi dây kết nối ký ức
Ngày nay, bánh xoài không còn giữ vị trí số một trong những dịp Tết nữa; nhưng trên bàn thờ của mỗi gia đình miền Trung vẫn không thể thiếu bánh xoài (bánh thuẫn). Qua từng chiếc bánh, chúng ta không chỉ đang thưởng thức một món ăn ngon mà còn đang nhận lấy cả lịch sử, văn hóa và tình người từ miền Trung thân thương. Bánh xoài chính là sợi dây kết nối các thế hệ và gìn giữ những giá trị truyền thống quý báu của gia đình miền Trung.